Thứ Hai, 19 tháng 7, 2010

NHAP MON


Văn Phật sở thuyết, là nghe và hiểu những gì Phật đã nói. Hoan hỷ tín thọ, là vui mừng tin nhận những gì Phật đã dạy. Tác lễ, là đảnh lễ với lòng biết ơn và tôn kính, vì Phật đã thương xót trao dạy cho pháp nhiệm mầu. Nhi khứ, là đi lui ra, để hành trì pháp môn mà Phật đã ân cần khuyến dẫn, phát nguyện sanh về Tây phương Tịnh Độ. 

Văn Phật sở thuyết, là nhân của TRI. Hoan hỷ tín thọ, là nhân của TÍN. Hoan hỷ tín thọ và Tác lễ nhi khứ, là nhân của NGUYỆN. Tác lễ nhi khứ, là nhân của HẠNH. TRÍ là quả của TRI TÍN NGUYỆN HẠNH. Tất cả là 4 món tư lương "hiểu sâu, tin chắc, nguyện thiết, hành chuyên" rất cần thiết cho người niệm Phật, để dựa theo đó làm phương hướng tu trì, cảm thán ân đức của Phật đã vì chúng sanh mà nói pháp cứu độ nầy.

Phật đã nói pháp như thế, con đường đã được vạch sẵn như vậy, nếu có ai tin nhận thì hãy theo đó mà tu trì. Hãy tin với niềm tin thật vững chắc, khắc giữ vào trong tâm, tin như vậy mới là chân chánh tín thọ. 

Hãy xem việc niệm Phật là vấn đề KHẨN THIẾT NHẤT trong cuộc sống, bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Hãy xem việc niệm Phật là NIỀM VUI trên tất cả. Hãy đặt việc niệm Phật lên hàng đầu của tất cả mọi sự việc, trọn kiếp đời nầy và muôn nghìn kiếp về sau. Hãy buông bỏ vạn duyên bên ngoài và chỉ một lòng chuyên nhất trì niệm danh hiệu A Di Đà Phật. Hãy thành tâm niệm Phật và chỉ biết niệm Phật.


Theo thiền sư Thảo Am, bí quyết của việc niệm Phật là đặt chữ "CHẾT" trên ý niệm. Như thế, đối với cảnh duyên sẽ lạnh nhạt, tình ái cũng tự nhiên nhẹ bớt, danh lợi và bạc tiền trong phút giây nầy cũng đều vô dụng. Được như vậy, việc niệm Phật sẽ khẩn thiết và chân thành hơn.

Niềm tin Cực Lạc, câu Phật hiệu A Di Đà, Tứ Vô Lượng Tâm, Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đế, Bồ Đề Tâm, Tứ Tư Lương - đấy là những hành trang công đức trí huệ diệu hạnh vô thượng mà đức Thế Tôn đã ân cần trao dạy, người niệm Phật phải nghiêm kính tin giữ và hành trì. 



Hãy cố gắng tinh tấn tu tập theo hạnh của Phật. Hãy kiên trì dũng mãnh học theo nguyện của Phật. Hãy nỗ lực chuyên cần thêm nữa, hãy ráng làm cho xong trong một đời nầy, giải thoát và thành Phật, vì mình, vì người, vì tất cả mọi loài...

Với sức mạnh Nhị Lực, đó là sự tinh tấn chấp trì danh hiệu Phật trong niềm tin vững chắc, cùng với tha lực hộ trì của tất cả chư Phật mười phương, người niệm Phật nhất định sẽ thành Phật. 

Trong kinh Niệm Phật Bát Nhã Ba La Mật, ngài đại Bồ Tát Phổ Hiền dạy rằng: "Danh hiệu Phật như hóa thân Phật bất tư nghì, vì luôn hiện thân Phật ngay nơi thân và tâm của người xưng niệm danh hiệu A Di Đà Phật."

Người niệm Phật phải luôn ghi nhớ lời cuối cùng của đức Thế Tôn đã nói, ở rừng cây Ta La, nơi ngôi làng hẻo lánh Kusinara, trước khi ngài nhập diệt: 

"Mọi vật ở đời không có gì quý giá, thân thể rồi sẽ tan rã, chỉ có Đạo là quý báu, chỉ có Chân Lý của Đạo ta là bất di bất dịch, hãy tinh tấn lên để giải thoát."



Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật



Yếu chỉ hành trì theo tinh thần lý nghĩa 


của Kinh Niệm Phật A Di Đà





Nam Mô A Di Đà Phật

Người niệm Phật, một khi đã quyết tâm thọ trì kinh A Di Đà, thì phải phát khởi tín tâm vững chắc, mở rộng niềm tin để nhận hiểu lời Phật dạy trên cả 2 mặt Lý và Sự. Nghĩa là phải tin chắc rằng có cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà ở phương Tây, tin có cõi Tịnh Độ nhiệm mầu trong tâm của người niệm Phật. Tin vào lý nhân quả, luật luân hồi và nghiệp báo. Giữ vững niềm tin thiết tha và kiên cố, tinh tấn chấp trì danh hiệu Phật trong tất cả mọi oai nghi, mọi thời lúc và ở bất cứ nơi nào.


Người niệm Phật, một khi đã quyết tâm thọ trì kinh A Di Đà, thì phải phát khởi 10 thứ tâm thù thắng, đó là Tín tâm, Thâm Trọng tâm, Hồi Hướng Phát Nguyện tâm, Xả Ly tâm, An Ổn tâm, Hộ Giới tâm, Đà Ra Ni tâm, Ba La Mật tâm, Bình Đẳng tâm, Phổ Hiền tâm. Người niệm Phật phải tu tạo công đức trí huệ và phẩm hạnh trên cả 2 phương diện Tịnh nghiệp và Thiện nghiệp: 


- Tịnh nghiệp (chánh hạnh) là giữ tâm ý cho thanh tịnh, bằng cách trì niệm câu Phật hiệu A Di Đà suốt đêm ngày 6 thời không xen tạp, không mong cầu. Khi trì niệm, lắng nghe cho phân minh từng mỗi tiếng niệm trong tâm. Người niệm Phật phải dựa vào phương cách lắng nghe và chú tâm như vậy, để chuyên nhất tâm tưởng và trì giữ chánh niệm. 


- Thiện nghiệp (trợ hạnh) là năng làm các điều lành, ngăn ngừa và trừ diệt những điều ác, luôn nắm giữ và thực hành Thập Thiện (10 điều lành) trên cả 3 bình diện Thân Khẩu Ý, tu tập hạnh từ bi, bố thí, buông xả, tha thứ, nhẫn nhục, phát khởi tâm Bồ Đề vô thượng, tu tập Bát Chánh Đạo, học hiểu Tứ Diệu Đế, thường xuyên sám hối lạy Phật và tu sửa tâm tánh, dũng mãnh tu tập theo hạnh của Phật, thực hành pháp Lục Độ Ba La Mật của Bồ Tát, tùy duyên đến với Người và giúp Người tìm về nẻo Chánh, không ngừng nghỉ tự độ và độ tha, nhận hiểu và tu tập theo 48 lời nguyện của đức Phật A Di Đà. 


Người niệm Phật, một khi đã quyết tâm thọ trì kinh A Di Đà, thì phải phát nguyện vãng sanh cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Đà, và phải tín cẩn ôm giữ pháp môn nầy cho đến trọn đời. Phát nguyện phải chân thành, nghiêm kính và thiết tha, ghi nhận sâu xa những điều nguyện ước ấy trong lòng, ngày đêm tưởng niệm đến các cõi lành và các điều lành, có như vậy thì mới có thể cảm ứng được sự gia trì hộ niệm của chư Phật và chư vị Bồ Tát, tương ứng với bản hoài của đức Phật A Di Đà.


Người niệm Phật phải thành tâm niệm Phật và chỉ biết niệm Phật. Tín cẩn chấp trì như thế thì mới có thể chuyên nhất được tâm ý, dứt trừ mọi vọng tưởng điên đảo, cắt đứt vòng dây trói buộc của Vô Minh và Tham Ái. Trong kinh Niệm Phật Ba La Mật, Phật dạy: "Người niệm Phật chỉ buộc tâm và ý vào danh hiệu Phật, chăm chú lắng nghe, mỗi câu rõ ràng, mỗi niệm phân minh. Quên cả thân, quên cả cảnh, quên cả cái ý thức tự biết: Ta đang niệm Phật".


Người niệm Phật, một khi đã quyết tâm thọ trì kinh A Di Đà, thì phải trải rộng 4 thứ tâm vô lượng, một cách chân thật từ ở chính tự tâm, từ cõi lòng lân mẫn của chính mình, vào từng mỗi câu Phật hiệu A Di Đà, trên từng mỗi hành động, mỗi lời nói, cũng như tất cả những nghĩ suy trong tâm thức.



Mỗi một tiếng niệm A Di Đà, người niệm Phật phải trải rộng tâm Từ của mình đến tất cả mọi chúng sanh bình đẳng, trải tâm Bi đến những kẻ đang đau khổ, trải tâm Hỷ đến những ai đang vui sướng, trải tâm Xả đến những người mình yêu thích hoặc ghét bỏ. Câu Phật hiệu A Di Đà phải được khởi niệm một cách thiết tha từ trong tâm, chân thật, nghiêm cẩn và vững chắc, có như vậy thì mới có thể chuyên nhất được tâm tưởng, làm phương tiện diệu dụng 6 thời để trừ diệt tất cả mọi tà ý, dục niệm sinh khởi trong từng mỗi phút giây trong cuộc sống. Đó là thể hiện 4 đức tánh liên hoa: vi diệu hương khiết trong câu Phật hiệu A Di Đà.


Điều quan trọng của pháp niệm Phật là phải phát khởi tâm chân thành và khẩn thiết trong khi xưng niệm danh hiệu A Di Đà Phật. Theo thiền sư Thảo Am, bí quyết của việc niệm Phật là đặt chữ "CHẾT" trên ý niệm. Như thế, đối với cảnh duyên sẽ lạnh nhạt, tình ái cũng tự nhiên nhẹ bớt. Người niệm Phật phải chân thành hồi hướng tất cả công đức về Cực Lạc và Tam Bảo ở các cõi, cho cha mẹ 7 đời của mình và của người, cho anh em chúng sanh trong 7 kiếp, cho tất cả muôn loài hữu thể và vô thể trong 6 nẻo luân hồi. Người niệm Phật phải nhận hiểu: "Tất cả chúng sanh trên thế gian nầy đều có tánh Phật và là những vị Phật sẽ thành trong tương lai".


Yếu chỉ của công phu trì niệm danh hiệu A Di Đà là ở mấu chốt: "phản văn văn tự tánh" (theo tinh thần lý nghĩa của kinh Thủ Lăng Nghiêm). Nghĩa là người niệm Phật phải dùng tâm để lắng nghe tiếng niệm trong tâm, nghe cho rõ ràng và phân minh từng chữ một. Niệm từng chữ và phải chắc từng chữ, nghiêm mật trên từng mỗi câu niệm. Người niệm Phật phải hành trì cẩn thiết như thế thì mới có thể điều phục được tâm ý, dứt trừ mọi loạn tưởng, phát triển trí tuệ sáng suốt vô thượng, đạt đến sự thành tựu nhất hạnh tam muội, cảnh giới mầu nhiệm bất khả tư nghì của tự tánh tự niệm A Di Đà Vô Lượng Quang Vô Lượng Thọ. 

Nam Mô A Di Đà Phật



o0o


Nam Mô A Di Đà Phật





vườn Kỳ Đà Cấp Cô Độc Jetavana

nơi đức Phật Thích Ca đã thuyết giảng kinh A Di Đà


o0o

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét